Trong bài viết này HomeCare sẽ trả lời cho câu hỏi ngâm bát đĩa lâu trong nước tốt hay không nhé. Bên cạnh đó HomeCare sẽ bật mí cho chị em cách rửa bát đĩa đúng chuẩn từ một chị nhân viên đã có kinh nghiệm 10 năm trong nghề nha. Cùng theo dõi đến cuối bài nhé!
1. Theo chuyên gia bạn có nên ngâm nước bát đĩa sau khi ăn không?
Nhiều bạn có thói quen ngâm bát đĩa trong bồn rửa với nước ấm hoặc để qua đêm để việc rửa bát sau đó dễ dàng hơn, vì các vết bẩn đã được loại bỏ. Điều này nghe qua có vẻ cũng hợp lý, thế nhưng, theo các chuyên gia y tế, đây lại là thói quen gây hại nhiều hơn. Theo thông tin đưa trên tạp chí Mental Floss, một báo cáo của Tập đoàn Truyền thông Úc (Australian Broadcasting Corporation) cho thấy rằng thói quen ngâm bát đĩa bẩn qua đêm thực sự có thể khiến chúng bẩn hơn. Bạn để bát đĩa chưa rửa trong bồn rửa càng lâu, vi khuẩn sẽ càng có nhiều thời gian phát triển. Điều này càng đặc biệt đúng nếu bạn ngâm bát đĩa bẩn trong nước nóng.
Vi trùng có hại trong bồn rửa của bạn có thể đến từ nhiều nguồn, ví dụ như vi khuẩn như E.coli hoặc salmonella có thể xuất phát từ thịt sống hoặc hải sản. Chúng dễ dàng bám lại trên dao và thớt sau khi chế biến. Trong những trường hợp như vậy, tốt nhất bạn nên rửa bát đĩa có khả năng bị nhiễm khuẩn ngay lập tức để ngăn chặn bất kỳ mầm bệnh nào lây lan. Vi trùng cũng có thể bắt nguồn từ trái cây, rau, sữa, tay và thậm chí cả đường ống thoát nước. Trong bồn rửa nhà bếp, một lượng nhỏ vi khuẩn cũng có thể sinh sôi nhanh chóng. Các bồn rửa là môi trường ẩm ướt, chứa đầy “chất dinh dưỡng” từ các mảnh vụn thức ăn thừa. Nói cách khác, chúng là nơi sinh sản lý tưởng của vi khuẩn.
2. Thử nghiệm của chuyên gia khi ngâm bát đĩa bẩn
Theo chuyên trang của tờ USA Today thông tin rằng, các chuyên gia đã thực hiện các thử nghiệm với đồ dùng nhà bếp bẩn, là một chiếc nồi, có chứa bên trong những thực phẩm khó làm sạch là nước sốt cà chua và bột bánh. Sau khi cho thực phẩm vào, các chuyên gia nấu với lò nướng ở nhiệt độ 350 độ F (tức hơn 176 độ C) trong thời gian 40 phút. Cuối cùng khi lấy ra, tiến hành cho một ít nước rửa bát và ngâm đồ dùng với nước trong các khoảng thời gian khác nhau để chứng minh mức độ hiệu quả của phương pháp này.
Các mốc thời gian thử nghiệm lần lượt là 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ, 4 giờ, 6 giờ và 24 giờ. Khi kết thúc mỗi chu trình ngâm, các chuyên gia đều lấy nồi ra và thử nghiệm lại bằng cách dùng tay đưa lên nồi xem có bao nhiêu vết bẩn sẽ bong ra một cách dễ dàng.
|
Hình: Chiếc nồi có vệt sốt cà chua bị cháy sau khi ngâm qua các mốc thời gian khác nhau nhưng vẫn không sạch (Nguồn: vnexpress.net) |
Kết quả cho thấy, dù cho được ngâm vài giờ hay 1 ngày, các vết bẩn vẫn còn đó và dường như mức độ giảm đi là rất ít. Một thử nghiệm khác với một chiếc bát sứ có chứa nước sốt cà chua, việc ngâm trong thời gian dài còn khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
|
Theo các chuyên gia bạn không nên ngâm bát đĩa sau khi ăn đễ tránh ảnh hưởng sức khoẻ (Nguồn: vnexpress.net) |
Lý giải cho điều này là bởi bát đĩa để càng lâu, vi khuẩn sẽ càng có điều kiện để phát triển. Thông thường, vi khuẩn trong thực phẩm có thể sinh sôi gấp đôi sau mỗi 20 phút, tốc độ tăng trưởng của chúng sẽ cao hơn sau 2 giờ đồng hồ. Trong 24 giờ, con số vi khuẩn có thể nhân lên hàng nghìn tỷ. Lượng vi khuẩn này không chỉ đơn thuần bám vào bát đĩa, bởi nếu chỉ như vậy sẽ chẳng đáng lo ngại. Các chuyên gia khuyến cáo, vi khuẩn còn có thể bám vào những đồ vật xung quanh bếp của bạn, thậm chí là xâm nhập vào cơ thể con người.
3. Những sai lầm cần loại bỏ khi rửa bát
3.1. Không thay miếng rửa bát
Nhìn bề ngoài thì có vẻ khăn rửa bát của nhà bạn vẫn có thể tiếp tục dùng nhưng thực tế thì vật dụng này cũng có “hạn sử dụng”. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng khăn rửa bát chính là một trong những nơi mà vi khuẩn tụ tập nhiều nhất và nó còn bẩn hơn cả bồn cầu.
Theo một nghiên cứu của Charles Gerba - nhà vi sinh vật học tại Đại học Arizona (Mỹ) thì trung bình sẽ có khoảng 10 triệu vi khuẩn/2.54cm2 trong mỗi miếng rửa chén nhưng bồn cầu chỉ tầm 50 vi khuẩn/2.54cm2 mà thôi. Chưa kể chúng còn phát triển và phân chia mỗi 20 phút, làm miếng rửa chén bẩn gấp 200.000 bồn cầu và gấp 20.000 lần khăn lau bếp. Chính vì vậy, đối với khăn rửa bát, ngoài việc làm sạch chúng sau mỗi lần sử dụng thì chúng ta còn phải thay thường xuyên.
3.2. Dùng quá nhiều nước rửa bát
Tương tự như giặt quần áo của bạn, điều tương tự cũng áp dụng cho việc rửa bát đĩa. Bạn không cần nhiều chất tẩy rửa khi rửa bát. Sử dụng quá nhiều chất tẩy rửa có thể khiến bạn khó rửa sạch hết. Một khi lượng hóa chất dính trên bát, đĩa không được loại bỏ hết, chúng sẽ thôi ra thức ăn khi bạn sử dụng bát, đĩa đó và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Bạn nên dùng lượng nước rửa bát vừa phải so với lượng chén đĩa cần rửa. Nếu có quá nhiều bát đĩa, bát nên lấy nước rửa bát thành nhiều lần, dùng hết lại lấy tiếp, sau đó rửa lại thật kỹ với nước sạch để hạn chế lượng hóa chất còn lại trên bát, đĩa. Nếu có thể, hãy tráng bát, đĩa qua nước nóng sau đó để làm sạch hơn.
3.3. Cách vệ sinh khăn rửa bát đúng cách
Theo Phòng thí nghiệm An toàn và Công nghệ Thực phẩm ARS của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), có 2 phương pháp có tác dụng khử trùng khăn rửa bát là dùng máy rửa bát hoặc quay trong lò vi sóng. Máy rửa bát có tính năng diệt khuẩn và điều này giúp loại bỏ hoàn toàn chất bẩn cho miếng bọt biển khá tốt. Hoặc sau khi rửa bát xong, hãy vắt thật khô và đem vào quay trong lò vi sóng khoảng 1-5 phút.
Dưới nhiệt độ cao, các tạp chất lẫn vi khuẩn sẽ dần bị tiêu diệt và giúp chén đĩa không bị nhiễm khuẩn cho lần sử dụng sau. Nếu khăn rửa bát nhà bạn là vật dụng dễ cháy thì không nên sử dụng cách này. Thời hạn tốt nhất để miếng rửa chén hoạt động “hết công suất” là khoảng 2 tuần. Chỉ cần thay mới 2 tuần/lần, bạn sẽ ngăn chặn vi khuẩn lây lan và phát triển trong nhà bếp. Tuy nhiên, bạn cũng nên vứt ngay lập tức nếu nó có mùi hôi khó chịu cho dù đã làm sạch rất nhiều lần.
4. Kinh nghiệm thực tiễn rửa bát sạch bong sáng bong của chị giúp việc 10 năm trong nghề
4.1. Dọn thức ăn thừa trước khi rửa
Thức ăn thừa, xương, túi bóng còn mắc lại trong chén bát, xoong nồi cần được gạt bỏ cho vào thùng rác trước khi rửa để hạn chế tắc nghẽn đường thoát nước, lâu ngày có thể gây tắc nghẽn cống.
4.2. Phân loại chén bát
Không nên để chén bát xoong nồi lộn xộn mà nên phân loại chén đĩa, xoong nồi… thành từng loại ít dầu mỡ và nhiều dầu mỡ, chén bát riêng, đĩa riêng, thau rổ riêng, xoong nồi riêng…
4.3. 3 bước rửa chén sạch bong sáng bóng
Bước 1: Tráng sơ chén đĩa, xoong nồi… qua với nước để làm bớt mảng bám thức ăn thừa và dầu mỡ. Ngâm nước xoong nồi bị cháy hoặc các dụng cụ đựng cơm xôi khô cứng để quá trình rửa chén được thuận lợi hơn.
Bước 2: Rửa với xà phòng, để thuận lợi nên sử dụng chậu đôi hoặc chuẩn bị thêm 1 thau lớn. Hòa nước rửa chén với nước ấm, khuấy tạo bọt. Không đổ trực tiếp nước rửa lên chén bát, việc này không làm cho chén bát được sạch hơn mà còn làm lượng hóa chất bám nhiều hơn, khó làm sạch hơn. Dùng miếng rửa chén nhúng dung dịch vừa pha rửa từng cái chén bát một, rửa những cái ít dầu mỡ trước rồi tới nhiều dầu mỡ sau. Rửa những cái to trước đặt xuống dưới rồi chồng từ từ những cái nhỏ hơn lên trên.
Bước 3: Tráng lại với 2 lần nước, hóa chất còn bám lại trên bát đĩa rất độc hại cho cơ thể vì thế cần được rửa lại với nước cho thật sạch. Không được chủ quan tráng qua loa cho sạch bọt xà bông. Nên rửa lại chén bát thật sạch với 2 lần nước, nước đầu rửa sạch trong chậu nước, lấy miếng rửa chén sạch lau lại cho sạch xà bông, tay cầm chén bát không còn thấy trơn nhớt, nước sau rửa sạch chén bát dưới vòi nước đang chảy để loại bỏ hoàn toàn hóa chất. Với đồ nhựa khó tẩy mùi nên ngâm qua nước ấm hòa với ít nước chanh rồi tráng lại với nước sạch.
Hy vọng qua bài viết này bạn đã rút được kinh nghiệm cho mình về việc không nên ngâm bát đĩa lâu và nắm được 3 bước rửa bát cực sạch. Chúc bạn có thật nhiều sức khoẻ và có một kỳ nghỉ lễ thật tuyệt vời!